Chủng bò sát Hình tượng động vật trong văn hóa

Hình tượng các loài bò sát cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc, những loài bò sát được nhắc đến nhiều nhất gồm rắn, rùa và cá sấu và loài “bò sát” nổi bật nhất chính là Rồng. Ngày nay, trong văn hóa bình dân, hình tượng các loài bò sát lại được ghi dấu theo cách mà các nhà thuyết âm mưu tin rằng có Chủng tộc bò sát đang thao túng thế giới của loài người, đây là một trong những thuyết âm mưu phổ biến ngày nay như những thuyết âm mưu về hội Illuminati, thuyết âm mưu UFOQAnon.

Con rắn

Một đôi rắn đang giao hoan

Con rắn hiện diện rộng khắp trong nền văn minh trên địa cầu. Rắn là biểu tượng của Thần nước, thủy thần, là đại diện cho hai thành tố đối lập tốt và xấu. Tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt có tục thờ Rắn, mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Hình ảnh đôi Rắn quấn nhau là biểu tượng của phồn thực, cội nguồn sinh sôi, sự sống. Mặc dù vậy, Rắn dường như ít xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình. Trong văn hóa Champa, Rắn được gọi là Naga, vua của loài rắn, được du nhập vào theo Ấn Độ giáo. Naga là anh em họ và là kẻ thù của Chim thần Garuda nên rắn Naga (còn gọi là Niệk hay Neak) thường được thể hiện trong hình thức bị chim Thần Garuda tiêu diệt.

Trong niềm mê tín, khi thấy rắn rết bò vào trong nhà cần đề phòng người nhà sắp gặp tai nạn. Nhưng gặp rắn là một dấu hiệu của may mắn, nếu gặp rắn trong khu vườn, bên trong nhà hoặc ngoài đường có nghĩa là một cái gì đó hoặc ai đó quan trọng sẽ bước vào cuộc sống (còn gọi là Quý nhân phù trợ). Đừng bao giờ cố gắng để gây tổn hại hoặc giết một con rắn khi phải đối mặt với nó (câu chuyện đồn đại về Nguyễn Trãi là một ví dụ). Những con rắn càng độc thì càng may mắn. Các vua rắn hổ mang được mô tả là một con rắn của sự may mắn tột bậc. Dù làm gì, không bao giờ được giết một con rắn vì nó có liên kết tới một số mặt tinh thần. Nó thường tự trốn đi khi ý thức được sự hiện diện của con người[79].

Người dân ở Chiềng Ban vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá thần (cá bỗng) bắt đầu từ một truyền tích về thần rắn, một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn, vào một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng và được thần linh báo mộng cho biết, chàng Rắn đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương, từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng không ăn cá suối Ngọc[80]

Con rùa

Tượng con rùa vũ trụ Kurma (कूर्म) ở Ấn Độ

Con rùa ở phương Đông được xem là con vật nằm trong bộ Tứ linh với ý nghĩa là núi vững chãi che chở sau huyệt. Nó là tạo vật duy nhất trong tứ linh thật sự tồn tại và có thể dễ dàng tìm thấy là biểu tượng của tuổi thọ, mà còn của sự bảo vệ, che chở, hỗ trợ, sự sang trọng và triển vọng. Vì mai rùa rất chắc chắn, có thể bảo vệ được cơ thể mềm yếu bên trong của nó nên còn mang ý nghĩa của che chở, bảo hộ. Rùa được tôn thờ và là một trong những bảo bối phong thủy giúp hóa giải khá nhiều thế xấu trong nhà ở, loài rùa là sinh vật có thật và luôn sẵn sàng giúp phù gia chủ, bày rùa trong những ngôi nhà giúp trấn yểm được khí hung. Sự chắc chắn của loài rùa sẽ giúp cho công việc của gia chủ từng bước đều ổn định.

Khi bày rùa để hóa giải phong thủy xấu, đầu rùa luôn phải hướng ra phía ngoài cửa, nếu để đầu rùa hướng vào trong sẽ giống như con rùa rụt cổ, khó mà thành sự, nếu treo một chiếc mai rùa trên cửa ra vào sẽ có tác dụng tán sát khí giống như tác dụng của gương bát quái. Phần gù ở lưng con rùa được coi là trời và phần bụng của chúng là đất, khiến nó trở nên bền vững với thời gian (con rùa vũ trụ). Đặt một con rùa đầu hướng ra cửa sổ là tốt, khi dùng rùa sống để hóa sát, nếu nó chết hãy thay ngay con khác. Rùa là một trong số những loài vật có tuổi thọ thuộc hàng cao nhất. Trong văn hóa Việt Nam, rùa là một linh vật được tôn trọng. Rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn, và rùa thường đi kèm với hình tượng rùa đội hạc ở trong chùa, đền, đình, miếu, nơi thờ tự[81].

Thằn lằn

Ngoài hình tượng Người thằn lằn trong Chủng tộc bò sát và Người thằn lằnsinh vật kỳ bí ở Mỹ thì Quái nhân thằn lằn The Lizard với tạo hình xấu xí, chiếc đuôi khổng lồ và những móng vuốt có thể xé xác đối thủ đã xuất hiện trong cả loạt phim gốc Người Nhện và cả Amazing Spiderman. Nhờ kĩ xảo điện ảnh nên Người Thằn Lằn trong Amazing Spiderman 2012 có vẻ thu hút hơn ở các màn đánh giáp lá cà với Người Nhện. Quái nhân này là tiến sĩ Curtis Connors của tập đoàn Oscorps. Ông bị mất một tay nên nghiên cứu phương thuốc với mong muốn phục hồi lại cánh tay cho mình cũng như tất cả những ai bị mất một phần thân thể.

Tiến sĩ Connors nghĩ ra cách sử dụng gen của loài thằn lằn, vì chúng tự khôi phục được cái đuôi bị đứt và bàn tay của ông đã tự tái sinh, nhưng bản thân ông cũng bị biến đổi thành một con quái vật. Người Thằn lằn không hẳn là kẻ xấu, ông ta không phải hiện thân của cái ác như Joker mà là một người đàn ông tốt nhưng lại ra những quyết định sai lầm, đại diện cho sự khiếm khuyết, cũng như những ham muốn có thể dẫn tới thảm kịch khôn lường vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người. Người thằn lằn cũng có một số phận, một cuộc sống riêng, có những ước mơ cũng bình dị như bất cứ ai. Người Thằn Lằn là ước mơ có một cơ thể trọn vẹn đầy đủ[82].

Con rồng

Rồng là một biểu tượng văn hóa có độ phổ biến cao trên thế giới, là loài vật hư cấu được phát triển và xuất hiện trong văn hóa nhiều quốc gia châu Á cũng như châu Âu, lịch sử văn hóa các vùng đất năm châu, từ Âu, Phi sang Á, từ châu Mỹ sang châu Úc đều cho thấy có rồng. Rồng xuất hiện trong hầu khắp các thần thoại, truyền thuyết của các nền văn minh thế giới, đại diện cho sức mạnh, một thứ sức mạnh phi thường ngoài tầm kiểm soát nhưng thứ sức mạnh mang tính ám ảnh này lại có sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây trên nhiều phương diện, sự khác biệt trong nhận thức văn hóa về con vật huyền thoại phức tạp đến mức nhiều người nói rằng họ vẫn dùng con rồng để mô tả về khoảng cách lớn nhất giữa châu Âu và châu Á, theo đó, rồng Trung Quốc và rồng phương Tây hoàn toàn khác nhau trong tưởng tượng, biểu đạt và ý nghĩa[83].

Điêu khắc về một con rồng châu ÂuĐồ họa hiện đại về con rồng Quetzalcoatl quấn quanh một nữ nhân bản địa

Theo truyền thống châu Âu, rồng là một sinh vật có vảy, cổ và đuôi dài, có bốn chân và có cánh, phun ra lửa và biết bay, một số chỉ có một đầu và cái mõm ngắn, quặp như mỏ đại bàng, Rồng thường được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu, lâu đài hay người đẹp. Rồng khá phong phú về chủng loại, thường có hình dáng của các loại rồng thú bốn chân (như ngựa, cừu, sói, gấu, rắn), có cánh, thân ngắn, miệng phun lửa. Đa số rồng châu Âu là rồng ác, là kẻ canh giữ kho báu, bắt cóc gia súc, mỹ nữ và thường bị một anh hùng tiêu diệt.

Người phương Tây quan niệm con rồng là một sinh vật độc ác có khả năng phun lửa, hình dạng giống thằn lằn, đại diện những sức mạnh xấu xa, con rồng giống như loài bò sát khổng lồ với những chiếc răng sắc nhọn và lớp da xù xì, chúng rất hung dữ và con rồng là những gì còn sót lại của thời trung cổ với lâu đài, tường hào và những kỵ sỹ[84], rồng châu Âu mang hơi hướng của một loài sinh vật hung dữ với toàn thân phủ vảy như rắn, miệng luôn phun lửa và đôi cánh như cánh dơi để bay lên trời[85]. Lá cờ của xứ Wales có hình tượng một con rồng khổng lồ đỏ rực là biểu tượng của xứ Wales[86].

châu Mỹ, đa số rồng là các thiện thần (rồng Chac của người Maya, rồng Quetzalcoatl của người Trung Mỹ). Ở Nam Thái Bình Dương là các loài rồng thoát thân từ thằn lằn, mang cả hai đặc điểm thiện và ác (rồng Julunggul, rồng Galeru, rồng Warramunga, rồng Yurlunggur, rồng Eingana, rồng ác có rồng Hotu-puku, rồng Peke-hauna, rồng Kataore, rồng Aranda). Ở Lưỡng Hà, phần lớn là rồng ác (Rồng sư tử Humbaba, rồng Zu, rồng Gandareva, rồng Kur, rồng cái Tiamat, rồng Apsu). Rồng ở châu Phi không được biết đến, thậm chí không được nghĩ là rồng, chúng giống như con rắn lớn đôi khi chỉ có hai chân. Rồng Ai Cập mang cả hai đặc tính thiện và ác (rồng Nehebkau, rồng Ammut, rồng Apep, rồng rắn Denwen). Văn hóa Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nên có truyền thống sùng bái rắn Naga, người TagalogPhilippines có rồng biển là thủy quái Bakunawa.

Trong Phật giáo, Rồng trong đạo Phật là linh vật tràn đầy năng lượng, mạnh mẽ và không dao động, là biểu tượng của tâm bố thí rộng lớn, thành tựu nối tiếp, niềm kiêu hãnh kim cương và tâm bình đẳng xả. Tiếng gầm của rồng xanh trên bầu trời là âm thanh của lòng từ bi giúp đánh thức chúng sinh thoát khỏi si mê ám chướng. Trong mỗi chân của Rồng xanh trì giữ một viên đá quý nêu biểu cho sự giàu có, thịnh vượng và sự toàn hảo. Miệng rồng đang hống lên những tiếng gầm thét nêu biểu sức mạnh của chư Daka, Dakini. Sự xuất hiện của Rồng xanh ở phương nam nêu biểu cho sự viên mãn mọi tâm nguyện mà không gặp chướng ngại. Rồng xanh bảo hộ chúng sinh trong khu vực lân cận khỏi những ảnh hưởng của năng lượng tiêu cực từ phương nam.

Có bốn loại Long vương chính là Kaṭṭhamukha tức loại Long vương có nọc độc mạnh, khi cắn trúng người nào, toàn thân người ấy sẽ cứng đơ. Các bộ phận như tay, chân muốn co vào hoặc duỗi ra cũng không được và rất nhức nhối. Pūtimukha là loại Long vương có nọc độc, khi cắn vào, thì vết thương chỗ bị cắn sẽ thối và có nước vàng chảy ra. Aggimukha là loại Long vương có nọc độc, khi cắn trúng, toàn thân người ấy sẽ nóng sốt, vết thương nơi bị cắn trở thành dấu vết giống như bị lửa cháy. Satthamukha là loại Long vương có nọc độc như điện, khi cắn trúng giống như bị sét đánh, những loại Long vương có thần lực, nó có thể hóa thân thành người được.

Tuy hóa thân thành người, nhưng vẫn có năm đặc tướng thường hiển lộ, không mất được, nó hiện khởi theo thông thường tánh của loài Long vương. Năm đặc tướng đó là: Lúc tục sinh phải hiện nguyên hình là Rồng. Trong lúc lột da, hình dạng cũng phải hiển lộ là Rồng như cũ. Trong lúc hành lạc với Rồng, cũng phải là Rồng. Trong lúc nằm ngủ, nếu lúc ngủ thất niệm thì cũng trở lại nguyên hình là Rồng. Trong lúc chết, cũng hiển lộ lại nguyên tướng là Rồng. Tuổi thọ Long vương có lúc trường thọ, có lúc yểu thọ. Có nhóm có tuổi thọ dài, như Long vương Kāla này sanh từ thời Đức Chánh Giác Kakusandha cho đến thời Đức Phật Gotama, rồi sống tiếp tục cho đến thời Phật Mattreyya. Quốc kỳ Bhutan ("thần long chi quốc") nổi bật với biểu tượng con rồng trắng có bốn chân nắm bốn viên ngọc cùng màu trắng[87].

Từ phía Nam Dương Tử đến hết đồng bằng Bắc bộ Việt Nam là xứ sở của các loại rồng rắn và rồng cá sấu của các cư dân Bách Việt cổ. Trên mặt trống đồng Đông Sơn, nhiều môtíp rồng cá sấu (giao long) thể hiện tục thờ rồng của người Việt cổ. Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt, hình thành trên cơ sở của sự kết hợp nguyên mẫu từ rắn, cá sấu và nhiều loài vật khác, thích nước và sinh sống ở môi trường sông nước và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa, rồng lan truyền ra xung quanh, tại mỗi địa phương khác nhau, rồng khoác lên sắc thái văn hóa của riêng mình, trong đó tại Á Đông rồng phát triển mạnh mẽ nhất, trở thành linh vật biểu trưng cho vua chúa và sức mạnh vương quyền[88]

Đông Bắc Á, thì rồng Triều Tiên có ba loại chính (Yong, Yo không sừng và Gyo), còn rồng Nhật Bản thường chỉ có ba ngón (rồng Ryo, Sei Ryu/thanh long và Ryu). Người Trung Hoa tự cho dân tộc mình là “long đích truyền nhân” và cho rằng rồng là sản phẩm của tư duy Trung Hoa. Người Hoa Hạ xưa coi rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật khác nhau, song luôn có hình dáng gần nhất với một loài vật chính ví dụ như có rồng thoát thai từ rắn, cá sấu, , lợn, trâu, ngựa, hổ, chó, rồng hình thành từ tia chớp, cây tùng, sinh thực khí nam, theo “tam đình cửu tự” (thân ba khúc kết hợp từ chín nét khác nhau của chín loài vật) để nói lên đặc trưng tổng hợp của rồng và để lý giải tại sao rồng làm bá chủ vạn vật[89].

Tượng đồng về hình dáng một con rồng phương Đông

Rồng ở Á Đông vốn là sản phẩm chung của nhân loại mà phần lớn các tác giả đều cho rằng có nguồn gốc từ rắn và khi vào Trung Quốc, hình tượng rắn trở nên có yếu tố thú và có nét dữ dội hơn. Những nét chính yếu của con rồng Trung Hoa đó là “có đôi sừng nai, đầu của lạc đà, mắt của quỷ, cổ của rắn, bụng cá sấu, vẩy da của cá, móng vuốt của chim ưng và đôi tai của bò”[90]. Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hoặc không gian cư trú, con rồng Trung Quốc tại các vùng miền khác nhau cũng có bề ngoài khác nhau, dựa trên những con vật mà con người thường gặp.

Rồng là con vật có sự kết hợp của chín loài vật khác, con rồng sơ khai có hình dáng giống ngựa, bò, rắn, cá, sau đó, hình ảnh con rồng Trung Quốc không được thống nhất cho tới triều nhà Tống theo đó con rồng là sự kết hợp của chín con vật khác nhau gồm có sừng của hươu, đầu của ngựa, mắt của rùa, cổ của rắn, vảy của cá, vuốt của chim ưng, tai của bò, bàn chân của hổ và bụng của rắn biển. Hoặc có thể là đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Người Trung Quốc phân chia rồng thành 3 loài chính: long là giống có quyền lực nhất và thường cư ngụ ở trên trời, ly là loài rồng có sừng và sống dưới đáy biển, và giao là giống rồng mình phủ đầy vảy, thường sống trong các đầm lầy hoặc trong hang sâu trên núi.

Các loại rồng
Rồng Châu Âu (hình trên) Rồng Trung Hoa (hình dưới), giữa chúng có nét khác biệt lớn, cũng tượng trưng cho sự khác biệt về văn hóa Đông-Tây

Trong Kinh dịch, rồng được tôn là “thủ” (đầu), “quân vương” (vua chúa), là biểu tượng của quẻ càn (trời), quẻ đầu tiên trong 64 quẻ. Sáu vạch của quẻ càn theo truyền thống là thể hiện sáu giai đoạn hiển lộ. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, các hoàng đế tự coi mình là rồng và là con trời nên tất cả những thứ mà họ dùng từ giường tới áo choàng đều được gắn thêm chữ "rồng" (Long), hình tượng rồng cũng được sử dụng rộng rãi trong việc trang trí các đồ đạc hoàng cung, màu sắc của rồng, màu vàng, chỉ dành cho Hoàng Đế, từ triều Tống, chỉ có hoàng đế mới được sử dụng màu vàng[91]

Theo sách Thuyết văn giải tự, trong 389 loài bò sát có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng là biểu tượng của phương Đông (tả Thanh long) và của mùa xuân. Sự tôn sùng dành cho con rồng trong quan niệm của người Trung Quốc gắn liền với thời cổ đại vì sự giới hạn kiến thức về tự nhiên và sự bất lực chống lại sự thay đổi và khắc nghiệt của thời tiết, nhiều thị tộcbộ lạc đã coi rồng như một vật tổ quyền lực, đem tới sức mạnh siêu nhiên bảo vệ họ và mang lại cho họ may mắn. Rồng được tôn sùng như một biểu tượng cho uy quyền, sức mạnh bậc nhất tại Trung Quốc. Con rồng của người Trung Quốc là một trong mười hai con giáp đại diện cho các năm.

Rồng tượng trưng cho vua và thâu tóm được nhiều quyền lực tối cao là linh vật duy nhất hoạt động tự do ở cả bốn cõi trời, mặt đất, dưới nước, độn thổ. Rồng có thể tạo ra gió, mây, mưa cho mùa màng tốt tươi hoặc gây bão lụt, động đất. Rồng được cho là loại vật có quyền lực, có thể bay lượng kỳ vĩ trên trời, độn thổ sâu dưới lòng đất, vẫy vùng ngoài biển cả, bơi lội ở nơi sông sâu. Rồng biến hóa thiên nhiên, hô phong hoán vũ, rồng tạo ra nguồn nước và lượng mưa là những thứ không thể thiếu với cuộc sống của những cư dân nông nghiệp Trung Quốc thường thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình đối với rồng linh thiêng. Tại những khu vực thường xuyên bị hạn hán và thiên tai, đền thờ rồng được xây dựng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu[92].

Khác với người Hoa, người Việt khá thống nhất trong quan niệm về con rồng, cả hình dáng, tính chất. Đối với người Trung Quốc thì con rồng tượng trưng cho nho giáo, cho quyền lực của thế lực phong kiến còn con rồng Việt Nam xuất phát từ đời sống của dân nông nghiệp, là sự thăng hoa và ước vọng có mặt trời, có mây mưa, có nước non để trồng lúa nước, sau khi nó được nhập vào Phật giáo thì con rồng trở thành sự siêu thoát rồi cuối cùng mới chịu ảnh hưởng của tinh thần Nho giáo biểu tượng cho vua như con rồng thời Lý là con rồng hình sin. Nó biến đổi rất đều trên một cái trục dọc giảm dần và cuối cùng hòa vào làm một, tượng trưng cho chân lý nhất nguyên của đạo Phật tức là cuộc sống có hai mặt, có âm có dương nhưng cuối cùng chỉ đi về một hướng[93]

Từ đầu thời tự chủ (thế kỷ X) đến cuối triều Nguyễn hình tượng con rồng Việt có những biến đổi về hình dáng, thể hiện qua các chi tiết về râu, sừng, vây lưng, đuôi, sự uốn lượn của thân, nhưng trên đại thể thì hình ảnh và tính chất của con rồng Việt dưới các triều đại tương đối thuần nhất, rồng là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy. Từ đời vua Lê Đại Hành rồng mới phần nào được đồng nhất với nhà vua, điều này tiếp tục phát triển dưới thời Lý, Trần và đạt đến đỉnh cao dưới thời Lê sơ. Những đặc điểm của rồng phương Bắc thấy rõ ở Điện Kính Thiên hay bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn.

Ở Việt Nam, quy ước rồng 5 móng dành riêng cho vua cũng bắt đầu có từ thời Lê. Thời Lê-Trịnh đến thời Nguyễn, chỉ có vua và thái tử mới được sử dụng hình ảnh rồng 5 móng; các hoàng tử thứ 2, thứ 3 và thứ 4 chỉ được dùng hình ảnh rồng 4 móng; từ hoàng tử thứ 5 trở xuống chỉ được dùng hình ảnh rồng 3 móng hay các biểu tượng gần gũi của rồng như con giao, con cù. Con rồng trang trí trong các đình chùa của dân gian cũng chỉ có 4 hoặc 3 móng. Tuy vậy, trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu vũ trong dân gian.

Rồng Việt Nam thời Nguyễn
Tượng rồng thời Nguyễn ở Tử Cấm thành-Huế, con rồng là sinh vật thần thoại kết hợp các yếu tố của các loài thú, bò sát, cá và chúng là loài vật linh thiêng trong nền văn hóa Việt Nam, gắn với Vương quyền

Ở Việt Nam, hình tượng Rồng đã xuất hiện từ buổi đầu dựng nước Văn Lang-Âu Lạc và trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ Tiên, cội nguồn dân tộc thông qua truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Hình tượng rồng Việt xuất hiện sớm nhất là trên chiếc giáorìu đá trang trí đôi giao long từ thời văn hóa Đông Sơn, những hình rồng Việt nguyên thủy đơn giản, thô sơ, có lẽ con rồng Việt xuất hiện muộn hơn, một giả thiết là rồng đã theo đạo Phật vào đất Việt rồi hội với con rắn (Naga)–chủ nguồn nước, mà dần thành rồng Việt với chức năng đề cao, tôn sùng Phật đạo, từ đó cũng đồng nhất với tôn trọng pháp lực của rồng. Con rồng Việt không chỉ là biểu tượng của vương quyền, gắn với triều đại phong kiến mà nó còn gắn bó chặt chẽ với đời sống dân gian người Việt. Nếu có con vật nào xuất hiện rộng rãi nhất trong các di tích của người Việt, từ lầu son cung điện đến đình, đền, chùa thì đó chính là rồng, con rồng không chỉ là biểu tượng của vua chúa nhưng còn là vị thần của cư dân nông nghiệp với niềm ước vọng mưa thuận gió hòa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hình tượng động vật trong văn hóa http://m.doisongphapluat.com/to-quoc-xanh/kham-pha... http://www.myanmars.net/myanmar/myanmar-flag-emble... http://baodansinh.vn/ga-trong-doi-song-van-hoa-vie... http://baophapluat.vn/truyen-hinh-giai-tri/con-vat... http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/hinh-tuong-con-... http://baoninhthuan.com.vn/news/20072p0c67/con-ron... http://dantri.com.vn/xa-hoi/them-mot-suoi-ca-than-... http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/29-nhi... http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhu... http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/kh...